Thần chí

Thần y - thiền sư Tuệ Tĩnh và bí quyết trường thọ qua 2 câu thơ

Cập nhật1286
0
0 0 0 0
Thần y- Thiền sư Tuệ Tĩnh được dân tộc Việt Nam tôn vinh là Y thánh. Cụ để lại hai bộ sách quý giá: Hồng Nghĩa Giá tư Y thư và Nam dược thần diệu. Cụ khuyên bảo giữ gìn sức khoẻ bằng một câu thơ:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Câu đầu nêu lên ba yếu tố cần thiết và quý báu của cuộc sống (tam bảo): Tinh, Khí, Thần.

Tinh là các chất tinh hoa nuôi dưỡng con người.
Cơ thể là một bộ máy trao đổi chất với thiên nhiên bằng cách ăn uống, hít thở. Các chất ăn uống qua tiêu hóa thành cốc khí, không khí được hít thở, cung cấp tông khí qua bộ máy hô hấp, cốc khí và tông khí kết hợp, cùng trở thành tinh chất nuôi cơ thể. Các cơ quan, các tạng (Tâm, can, tỳ, phế, thận) dùng các tinh chất ấy nuôi mình, đồng thời tạo thành các chất tinh tuý, tinh hoa. Tạng hàm nghĩa là kho tàng, là cơ quan tàng trữ các chất tinh hoa. Ở giai đoạn này, các tinh hoa là chất dự trữ để điều hòa các hoạt động của bản tạng. Phần tinh hoa của mỗi tạng dư thừa chuyển vào thận. Thận là “tổng kho” các thứ tinh. Sách nói thận tàng tinh. Sách cũng nói thận liên quan đến tủy trong cột sống, đến não. Não được gọi là “tủy hải” (bể tủy). Tinh của thận chuyển hóa lên tủy, tới não để nuôi tủy não. Tinh ở thận cũng tạo thành tinh sinh dục. Dịch hoãn của nam giới được gọi là ngoại thận. Khái niệm về thận trong y học cổ truyền (YHCT) rất rộng và rất quan trọng. Tóm lại, tinh là chất tinh hoa bao gồm cả tinh sinh dục, không phải là chỉ là tinh sinh dục.Tinh chất là nguồn nuôi dưỡng cơ thể.

Khí là nguồn gốc, là động lực của mọi hoạt động của cơ thể.
Khí có hai nguồn gốc: khí trời (trong đó có dưỡng khí) qua tạng Phế vào cơ thể kết hợp với tinh hoa của thức ăn ở Tỳ Vị để thành Khí hậu thiên, từ đó lưu thông đến các tạng phủ khác và là động lực để các tạng phủ hoạt động; Khi tiên thiên do cha mẹ truyền cho, tàng ở Thận và không ngừng được bổ sung bởi khí hậu thiên.

Tinh chất tạo thành Khí, khí làm cho cơ thể hoạt động. Ở đây có thể hiểu khí theo nghĩa hẹp là năng lượng, năng lượng tạo thành nội lực làm cho cơ thể hoạt động. Ngược lại, khí (nội lực) làm cho bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp hoạt động để chuyển hóa các chất tạo thành tinh chất. Tinh là thứ vật chất, nếu không có khí không chuyển hóa được. Khí là sự hoạt động sinh lý (nội lực). Không có tinh chất, khí không tiếp tục hoạt động được. Sự hoạt động là thứ phi vật chất. Bởi vậy, theo thuyết âm dương, tinh (vật chất) là âm, khí (phi vật chất) là dương. YHCT còn gọi âm tinh và dương khí. Âm tinh là cơ sở phát sinh và nuôi dưỡng dương khí. Dương khí là “động cơ” làm cho âm tinh chuyển hóa. Hai thứ ràng buộc nhau, không thể thiếu một thứ nào. Sự yếu kém rối loạn của thứ này ảnh hưởng xấu đến thứ khác và trở nên bệnh lý.

Dưỡng khí là luyện thở, hít thở khí trong sạch; còn có nghĩa là khéo léo giữ gìn và bồi bổ dưỡng khí lực của mình.

Thần là hình thức năng lượng cao cấp mà động vật nào cũng có, nhưng hình thức cao nhất chỉ có ở con người. Khí và thần đều thuộc dương, nhờ vào tinh thuộc âm. Thần trở nên một thực thể có khả năng chi phối, luôn ảnh hưởng tới khí, tới sự hoạt động cơ năng của các cơ quan. Con người là động vật cao cấp, phần thân gồm có tư duy, tâm lý. Những cảm xúc tiêu cực đều có thể ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động cơ năng của tạng phủ, đến sức khoẻ. Ví dụ giận quá hại đến can, gây chứng mặt đỏ, nhức đầu, hộc máu. Tạng làm chủ, chứa thần là tâm.

Tinh – Khí -Thần là biểu hiện quá trình chuyển hóa vật chất (tinh thức ăn, huyết, tinh sinh dục) thành năng lượng (khí) mà hình thức cao nhất là thần, thần trở lại điều khiển khí và tinh, toàn bộ cơ thể.
Khí lực cũng giúp thức ăn được tiêu hóa biến thành tinh hoa dinh dưỡng, huyết và tinh sinh dục. Sự chuyển hóa này xảy ra trong cơ thể một cách liên tục, nếu có rối loạn thì sinh bệnh, nếu ngưng lại thì chết. Luyện khí sẽ giúp cho quá trình chuyển hóa tinh biến thành khí, khí biến thành thần được tốt đẹp thêm. Tinh đày đủ, khí dồi dào, thần mới có cơ sở để vững mạnh.
Tổn thần là giữ gìn tinh thần, tránh hao tổn. Muốn thế phải thanh tâm, quả dục, thủ chân.

Thanh tâm là giữ cho tâm trong sáng, không bị vẩn đục, không làm điều đê hèn, đố kỵ, tàn ác, cố chấp, không quá ham chuộng vật ngon của lạ, không quá lo tranh danh, đoạt lợi… Thanh tâm phải tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo đức cao thượng, hành vi thanh nhã thuần khiết. Sống thanh cao thì tâm được thanh thản các tạng hoạt động điều hòa, sức khoẻ được duy trì, thoải mái.

Quả dục là hạn chế lòng ham muốn quá đáng. Những ước muốn chính đáng nhưu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; học thêm kỹ năng mới; giúp được người khác mà vô vụ lợi…vẫn luôn là động lực cao đẹp giúp con người ngày càng hoàn thiện. Song những ham muốn cao xa, quá đáng… thúc giục tìm mọi cách giành giật, khi không được thì gây đau khổ, lo nghĩ, thất vọng, tâm trạng rối bời, mất ăn mất ngủ… thì làm sao mà khoẻ mạnh được!

Thanh tâm, quả dục là những biện pháp lớn để có một tâm lý lành mạnh, nhưng cũng cần phải có một thân hình vững vàng tức là phải rèn luyện cơ thể, luyện hình.

Thủ chân là giữ gìn chân khí; cũng có thể hiểu thêm một nghĩa nữa là giữ gin chân lý, lẽ phải. Thủ chân là điều cốt lõi số một của Đạo dưỡng sinh.

Luyện hình chủ yếu là vận động cơ thể. Vận động thuộc bản chất tự nhiên của các sự vật. Không hoặc ít vận động là trái với quy luật tự nhiên. Vận động chân tay hay vận động trí óc đều cần thiết. Nhưng vận động từng mặt chưa đủ. Người công nhân đứng máy suốt tám tiếng đồng hồ chỉ vận dụng tay, mắt cũng là loại hình vận động không toàn diện. Muốn có sự vận động toàn diện phải tập thể dục. Sự vận động làm lưu thông khí huyết, các thế vận động xoa bóp nội tạng. Một số phương pháp thể dục của phương Đông trong lúc tập luyện đã cùng một lúc động viên cả bốn phần: tâm, ý, khí, hình. Tập thể dục thật là cần thiết vì có tác dụng lớn cho sức khoẻ, phụ trợ cho việc chữa bệnh. Trong nhiều trường hợp nó có thể thay thế cho thuốc mà thuốc không thể thay thế cho nó.

Như vậy trong 14 chữ trong hai câu thơ của Tuệ Tĩnh thì 12 chữ đầu là chú ý luyện tâm trước; bao gồm tiết dục để bảo vệ thận khí, giữ gìn tinh thần vững mạnh bằng các thanh tâm, quả dục, thủ chân; hai chữ cuối cùng mới là “luyện hình”; có thể nói một cách ngắn gọn tôn chỉ của phương pháp dưỡng sinh “Tâm sáng, thân khỏe”.
NguồnPhương pháp dưỡng sinh- PGS TS Phạm Huy Hùng
Lượt xem16/05/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng