Thần chí

Thực dưỡng và thiền hỗ trợ nhau phát triển thân tâm

Cập nhật1699
0
0 0 0 0
Chị Nguyễn Thị Đan Tâm, sinh năm 1950, hiện ở tại 36 Hoàng Quý, TP Hải Phòng, nguyện dành cả phần đời còn lại để hoằng dương chính pháp và phát triển thực dưỡng như một sự tri ân. Nhờ Thiền và thực dưỡng chị có được sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ và trí tuệ sáng suốt.

Cơ duyên nào đưa chị đến với thực dưỡng?
Tôi đến với Thực Dưỡng đúng là do duyên lành. Khởi đầu tìm đến Thiền để chữa bệnh mất ngủ nặng suốt 17 năm. Chạy chữa mọi cách không khỏi. Trong quyển “Thiền Là Gì” của tác giả Ngọc Trâm, cuối sách ca ngợi thực dưỡng có khả năng thay đổi cuộc đời và chữa các bệnh nan y. Đồng thời tôi còn mang một số bệnh khác: đau dạ dày, gai đôi, viêm đại tràng mạn tính và trầm cảm. Cuộc đời tưởng như vĩnh viễn làm bạn với bệnh tật, khổ đau và phiền não. Đầu năm 2005 tự tập thiền, thấy có kết quả sau một tháng. Cuối năm 2005 ăn thực dưỡng, nghiên cứu sách vở. Sau một tháng kết hợp nghiêm ngặt Thiền với thực dưỡng theo số 7, số 6, số 5 (ăn từ 100% gạo lức đến 80% gạo lức + 20% rau củ), tôi thấy như được hồi sinh. Đó là giai đoạn có kết quả cao nhất, khó quên đối với hai phương pháp quý này. Mặc dù lúc đó ăn thực dưỡng chưa chuẩn, nhưng tuyệt đối không ăn đồ ngọt, hoa quả. Đây là trải nghiệm thực tế để thấy tác hại của đường và hoa quả.

Chị vui lòng nói rõ hơn những cái lợi của bản thân từ khi theo thực dưỡng?
Thật khó dùng lời để nói hết được giá trị của thực dưỡng nên dùng tạm hai từ “đổi đời”. Từ một kẻ bệnh hoạn, rơi vào bế tắc, và vấy đau khổ sang người khác, quanh năm suốt tháng sống trong hờn giận, than thân trách phận, thân tàn, sức kiệt, trí nhớ mê mờ, không nhớ nổi 4 số điện thoại... vậy mà chỉ sau vài tháng ăn theo thực dưỡng trở thành một người khác hẳn, đầy nhiệt huyết và nhiều lúc không còn phiền não. Trí nhớ hồi phục và tăng trưởng nhanh chóng

Còn về tư duy thì sao, thưa chị?
Thay đổi rất nhiều, tư duy rõ ràng và mạch lạc hơn, nhân sinh quan thay đổi, chủ động trong mọi lĩnh vực, giảm thiểu thất bại trong cuộc sống. Thực tế, sau 49 ngày ăn theo số 7 với tâm thái tin tưởng thực dưỡng và nghiêm túc tìm hiểu ngọn nguồn, tư duy thay đổi, hay nói dễ hiểu hơn là phát lộ trí huệ hoặc tăng trưởng trí phán đoán. Tôi là một người rất đỗi bình thường, trình độ văn hóa chỉ lớp 7/10, mất ngủ nặng, trí nhớ giảm sút trầm trọng, vậy mà tôi đã có khả năng viết lách sau vài năm áp dụng thực dưỡng và Thiền. Tôi đã viết hơn 10 đầu sách và nhiều bài ngắn về thực dưỡng. Ở tuổi 67, tôi khoác ba lô đi khắp mọi miền đất nước, đi nước ngoài, đi Mỹ, Thái Lan với một phong thái tự tin. Tôi có thể thuyết giảng, trả lời các câu hỏi về thực dưỡng hết ngày này qua ngày khác mà không cần soạn trước. Tất cả là nhờ vào sự kỳ diệu của Thiền và thực dưỡng. Tôi buộc phải khoe là do người đặt câu hỏi muốn chứng minh giá trị thật của thực dưỡng.

Qua đây tôi muốn chia sẻ với đại chúng rằng thực dưỡng là phao cứu sinh cho tất cả những ai muốn tìm về hạnh phúc đích thực có thật ở cuộc đời này trước khi quá muộn. Một cách sống cân bằng giữa hai yếu tố Âm Dương. Khi cơ thể được cân bằng sẽ không có bệnh tật phát sinh. Nếu chẳng may có bệnh tật thì ta lại dùng sự cân bằng của Âm Dương để điều chỉnh. Đây là lý do tại sao gạo lứt muối vừng chữa được nhiều bệnh và việc chữa bệnh chỉ là một giá trị nhỏ của thực dưỡng.

Chị có đang hoặc dự tính làm gì để đóng góp cho thực dưỡng không?
Chính vì quá bất ngờ và hạnh phúc trước kết quả của bản thân, ngay sau đó tôi đã lao vào viết tư liệu, sưu tầm các tài liệu bổ ích về phương pháp thực dưỡng và mang đi phát tặng tất cả những nơi đến và những người được gặp. Tôi vẫn duy trì tâm nguyện này suốt 11 năm qua. Tôi đã phát tâm nguyện ngay vài tháng đầu có kết quả: chia sẻ thực dưỡng rộng khắp, góp phần giảm thiểu khổ đau, bệnh tật do ăn sai mang lại. Sau khi được học nấu ăn, học lý thuyết từ ông Andô Yasuhiro và phu nhân Andô Yuri, tôi đã mạnh dạn mở lớp hướng dẫn nấu ăn thực dưỡng kết hợp với Thiền từ miễn phí đến thu học phí phù hợp để phát triển hai phương pháp quý này. Sau khoá đầu được học với thầy cô An Đô, tôi đã viết quyển “Thực Dưỡng Cứu Đời Tôi” gần 300 trang và là quyển sách tôi viết khá nhất trong nhiều đầu sách tôi viết về thực dưỡng trong 11 năm qua.
 
Bản thân tôi được hồi sinh nhờ thực dưỡng. Tôi coi trọng thực dưỡng nhờ giúp tăng trưởng trí huệ, lĩnh hội tính không trong Kinh Bát Nhã. Nên vừa rồi từ ngày 5- 12/11/2016, nhóm Chính Thực (do tôi và các bạn thực dưỡng thành lập) đến Chùa Ba Vàng (lớn nhất nhì trong nước) ở Quảng Ninh để nấu ăn theo thực dưỡng cho 41 nhà sư với sự đồng ý của thầy trụ trì khả kính Thích Trúc Thái Minh. Bước đầu đã thu được kết quả tốt. Sau 7 ngày trải nghiệm ăn thực dưỡng, các vị đều đã ít nhiều nhận ra giá trị của cách ăn này. Đây là bước đệm cho các chuyến đi sau của Nhóm Chính Thực với mục đích đưa “ăn đúng” hoà nhập cộng đồng.

Tiếc rằng người tâm huyết phổ biến thực dưỡng còn thưa thớt như lá mùa Thu. Nhân đây tôi cũng tha thiết kêu gọi các vị có thâm niên ăn thực dưỡng chung sức, đồng lòng để phát triển phương pháp quý này. Có thêm nhiều nhà hàng đi đúng hướng thực dưỡng như Khai Minh. Thực hành thực dưỡng sẽ hiểu sâu sắc câu nói bất hủ: “thức ăn quyết định số phận của bạn”.

Vui lòng cho biết chế độ ăn hiện thời của chị?
Tôi đang ăn theo chế độ 50% gạo lức và ngũ cốc và 50% rau củ, nhưng không được bệnh. Lấy nhai kỹ làm bùa hộ mạng. May mắn năm 2014, tôi được dự lớp học lý thuyết và thực hành nấu ăn thực dưỡng do ông bà Andô (đệ tử của ngài Ohsawa và phu nhân Lima) dạy. Từ đó hiểu thêm về nguyên lý âm dương, biết cách nấu ăn phù hợp cho cơ thể.

Hiện nay, tôi vẫn vừa ăn vừa “lắng nghe phản ứng của cơ thể sau khi ăn (bữa, món)” để làm cơ sở điều chỉnh. Cố gắng sống thuận trật tự vũ trụ, chỉ sử dụng 4 gia vị “vàng” là misô, tamari, dầu vừng, muối biển thiên nhiên; hạn chế tối đa sử dụng thiết bị điện tử, hoá chất.
Chị thấy phương pháp thực dưỡng của Tiên sinh Ohsawa hoàn chỉnh chưa?
Theo tôi, ngài Ohsawa là Phật tái thế. Hiện thời nhiều người đắm chìm trong dục ăn. Có hay đâu thức ăn là bạn, thức ăn tạo ra con người và nhân cách. Nhận ra điều này và chỉ có cách thay đổi chính điều này. Trên thực tế đã có nhiều nhân chứng sống được đổi đời từ khi thay đổi cách ăn theo thực dưỡng.

Chính trong từng cá nhân, trong một ngày còn thay đổi bao cung bậc, lúc vui (dương) lúc buồn (âm). Thực dưỡng không ngăn cấm bất cứ điều gì, ăn gì là tuỳ thuộc vào trí phán đoán của ta. Những người có học vị cao, làm khoa học, thích tính rạch ròi, thường rơi vào phân biệt đúng sai. Đây là một chướng ngại khi theo Phật cũng như theo thực dưỡng. Tôi rất thích câu nói của ngài Ohsawa: Kiến thức thực dưỡng mà chúng ta phải học, cuộc sống của chúng ta là một nghệ thuật, nghĩa là không tồn tại một quy luật tuyệt đối nào giống như trong khoa học. Chúng ta phải thường xuyên thích nghi với một thế giới mãi mãi đổi thay, luôn độc lập và không hề lặp lại, như một nghệ sĩ vậy.”
Giá trị lớn nhất của phương pháp thực dưỡng là ăn đúng có khả năng ngộ đạo.

Chị có lời khuyên gì cho người mới vào thực dưỡng?
Tôi có đôi lời tâm huyết với người mới bước vào thực dưỡng. Đầu tiên nên tìm hiểu kỹ thực dưỡng qua đọc sách và nghe đĩa giảng. Người ta chỉ thành công điều gì khi hiểu về nó. “Có lý thuyết mà không thưc hành là vô ích - thực hành mà không lý thuyết là nguy hiểm”. Người muốn ăn ngay trong thời gian ngắn thì nên đọc quyển “Phòng Và Trị Bệnh Theo Phương Pháp Thực Dưỡng Ohsawa” của Ngô Thành Nhân. Nên đọc hết sách một lần. Đọc lại phần quan tâm để biết về Âm Dương, tác dụng của nhai kỹ và các phản ứng thải độc, các cách chữa bệnh trong thời gian ăn. Quan trọng nhất là đọc sách do chính ngài Ohsawa viết đã được dịch sang tiếng Việt như: “Thực Dưỡng Hồi Xuân và Sống Thọ”, “Triêt Lý Y Học Viễn Đông”, “Nguyên Lý Vô Song”, “Chơi Giữa Vô Thường”, “Làm Thế Nào Để Sống Vui”. Dần dần đọc “A Xít Và Kiềm”. Không quên đọc các sách của ngài Ohsawa được dịch từ tiếng Nhật gần đây: “Cỏ Thiêng”, “Trật Tự Vũ Trụ”, “Những Chàng Trai Huyền Thoại”... Và 2 quyển sách không thể thiếu của người thực dưỡng là: “Thức Ăn Quyết Định Số Phận Của Bạn”, “Bí Ẩn Của Khai Vận” của ngài Namboku Mizuno, nhà nhân tướng học nổi tiếng của Nhật Bản. Đọc đến đâu đưa vào thực hành đến đó. Nếu học hỏi thêm người đi trước có kinh nghiệm thì nhất định sẽ nhanh thành công.

Cốt tủy của thực dưỡng là tâm thái, tin tưởng, tích cực, khoan hoà, kiên nhẫn khi áp dụng. Mọi trường hợp ăn thử, ăn miễn cưỡng, ăn thiếu lòng tin khó đạt được kết quả tốt. Hãy kiên trì thực hành, vừa ăn vừa học hỏi một cách nghiêm túc.

Chị nghĩ mọi người có nên theo thực dưỡng?
Đây là mơ ước tột đỉnh của tôi. Người người ăn thực dưỡng, nhà nhà ăn thực dưỡng, chắc chắn dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, thế giới hoà bình. Chúng tôi có 3 ước muốn: (1) Mong muốn các cơ quan chuyên môn, các cấp lãnh đạo quan tâm và có những cuộc nghiên cứu thấu đáo về thực dưỡng để đưa thực dưỡng vào chế độ dinh dưỡng cho người dân. Được như vậy là phước lớn cho nước nhà. (2) Mong sao nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho những ai có tâm nghiên cứu và thực hiện thực dưỡng như tạo cơ sở pháp lý hoặc cung cấp kinh phí hoạt động. (3) Những người thực dưỡng, dù thâm niên hay sau này, đoàn kết với nhau để cùng phát triển thực dưỡng vì chúng ta và vì tương lai con cháu. Đấy mới là chân thực dưỡng.

Chị có băn khoăn gì về thực phẩm hiện tại?
Không những băn khoăn mà còn sợ hãi trước tình trạng thực phẩm bẩn hiện nay. Dưới góc nhìn của thực dưỡng, khi con người không hiểu biết về luật nhân quả và vi phạm trầm trọng trật tự vũ trụ thì cái giá phải trả là rất đắt. Ăn sai dẫn đến suy nghĩ sai, rồi hành động sai. Cuộc sống bây giờ hầu hết đều bị ma lực của đồng tiền chi phối, con người đã dám làm tất cả. Ngoài miệng thì ai cũng nói thương thế hệ mai sau, nhưng với trình trạng ô nhiễm quá nặng từ vật chất đến tâm hồn như hiện nay, e rằng con cháu chúng ta sớm mắc nhiều bệnh hơn chúng ta và trí phán đoán sẽ càng ngày càng đi xuống thấp. Những ai từng may mắn được biết đến thực dưỡng, hàng ngày nuôi cơ thể bằng ngũ cốc và thảo mộc sẽ ái ngại vô cùng khi nhìn người thân, bạn hữu, cộng đồng đang tự đầu độc, giết dần giết mòn sức khỏe và trí tuệ bằng cách ăn sai phạm. Hoá chất, biến đổi gien, thuốc tăng trưởng, đường, mỳ chính, hạt nêm, thuốc tân dược... ra đời hàng loạt theo sự chủ quan của con người, bất chấp sự hấp thụ, chuyển hoá sinh học của cơ thể... Ăn sai, uống thuốc chặn triệu chứng, không cần biết đến nguyên nhân. Khỏi tạm bệnh này phát sinh bệnh khác. Không tin người thật việc thật, lấy số đông làm chuẩn mực để đi theo... Ôi ! Cái vòng luẩn quẩn.

Chính tâm hồn bẩn mới tác tệ, mới là thủ phạm tạo ra thực phẩm bẩn. Một người thương người như thể thương thân không bao giờ rắc hoá chất, thuốc trừ sâu... vào thực phẩm rồi mang đi bán cho đồng loại ăn để kiếm lời. Hiện nay vấn nạn này rất trầm trọng. Đất, nước, không khí đều ô nhiễm nặng. Nên tốt nhất là đến với thực dưỡng càng sớm càng tốt. Người thực dưỡng ăn chủ yếu ngũ cốc với một lượng nhỏ thức ăn khác. Người thực dưỡng có thể tự trồng rau sạch. Thực dưỡng không hoặc hạn chế tối đa sử dụng hoa quả, đồ ngọt. Ở tầm vĩ mô, nhà nước phải ưu tiên diện tích đất nông nghiệp để cấy lúa, trồng đậu tương, vừng, đỗ (không biến đổi gien) bằng canh tác truyền thống, tránh dùng thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại... Cũng mừng là một số người biết sản xuất thực phẩm sạch nhưng mới chỉ là muối bỏ biển. Ăn đúng giúp sức khỏe tăng và trí tuệ tăng, đó là con đường thực dưỡng đi. Chính vì sự bức xúc trước nạn thực phẩm bẩn lan tràn hiện nay, tôi mạnh dạn vận động mọi người góp sức đưa “chính thực” vào cộng đồng, bởi không có phương pháp nào vi diệu hơn thực dưỡng.

Thấy chị có hành thiền, không biết thực dưỡng có giúp gì cho Thiền?
Đây là câu hỏi mà tôi tâm đắc nhất. Tôi đã từng khẳng định rằng thực dưỡng và Thiền của Phật giáo là đôi chân hoàn hảo của con người, thiếu một sẽ đi khập khiễng. Với bản thân tôi nếu không nhờ kết hợp song hành giữa Thiền và thực dưỡng, thì tôi không thể có kết quả như ngày nay. Nhờ Thiền, tôi bình tâm mà tin tưởng vào thực dưỡng, có đủ định tĩnh mà nhai kỹ (điều kiện quan trọng của thực dưỡng). Ngược lại không có thực dưỡng, tôi không đủ sức khỏe cũng như trí phán đoán chuẩn xác mà toạ thiền. Theo tôi, nếu thực hành đúng pháp, Thiền và thực dưỡng đều có công năng giác ngộ hoặc nhận ra trật tự vũ trụ hoặc phát triển trí phán đoán tối cao. Tiên sinh Ohsawa là một thiền sư đích thực và nhiều người khác nhờ ăn thực dưỡng mà tăng trưởng trí phán đoán, thay đổi cuộc đời, thay đổi nhân sinh quan. Ngược lại cũng có nhiều bậc tu sĩ cao niên bị đổ bệnh do ăn uống sai phạm. Khi bị bệnh, lại đổ thừa do “nghiệp”, tôi không tán thành như vậy. Đúng là “nghiệp ăn” gây ra bệnh. Cũng có nhiều người, sau khi ăn thực dưỡng, khỏi bệnh và hùng biện giỏi nhưng thiếu tu tập, làm ngã mạn tăng trưởng, chui sâu vào vỏ bọc vô minh. Tôi thấy người ăn thực dưỡng tốt tự nhiên tìm tới Phật Pháp. Theo tôi, muốn tu tốt và theo thực dưỡng thành công phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiền và thực dưỡng.

Khi tọa Thiền, là lúc rõ biết mọi vọng tưởng, đưa thân tâm nhất như, hoà quyện. Thiền đúng phải qua “Chỉ” và “Quán” (quay về sống với bên trong nội tâm càng sâu sắc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu), và đi sâu vào lòng sự vật, sự việc để thấy được gốc rễ của sự khổ đau. Người Thiền tốt hiểu rõ Luật nhân quả và tái sinh. Người tu Phật có tâm từ bi, không nuôi thân mạng bằng mạng sống của các loài khác. Hiểu được điều này giúp người thực dưỡng không còn đắm luyến thịt cá trong giai đoạn chuyển sang ăn thực dưỡng chay. Ngược lại khi mới đến với Thiền, thân còn bệnh tật mà không được thực dưỡng trợ giúp thì rất khó vượt qua ham muốn vật chất. Vì vậy Thiền và thực dưỡng cần kết hợp khăng khít  như bóng với hình để cùng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.

 

 
NguồnGaolut.vn
Lượt xem16/05/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng