Dinh dưỡng học

Cơ thể người tiêu hóa thức ăn như thế nào?

Cập nhật1192
0
0 0 0 0
Ăn uống là một phần của sự sống. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc về cách cơ thể chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng, hấp thụ và đưa chúng ra ngoài bằng cách nào không? Hôm nay hãy cùng quanbinh.com tìm hiểu về hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào để thực hiện các chức năng trên nhé!
Các cơ quan trong hệ tiêu hóa ở người
Tiêu hóa thức ăn ở miệng và thực quản
Hệ tiêu hóa ở người là một tập hợp các ống dài 10 – 15m và các cơ quan khác phụ trợ, được chia ra làm 2 phần ống tiêu hóa và tuyến tiêu hóa. Ống tiêu hóa bao gồm: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, hỗng tràng, hồi tràng, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Tuyến tiêu hóa bao gồm: các tuyến nước bọt ở miệng, tuyến tiêu hóa ở ruột, tụy, gan, mật…
 
Quá trình tiêu hóa ở người bắt đầu từ miệng. Tại đây, thức ăn thực phẩm được cắt nhỏ và làm nhuyễn bởi hệ thống răng miệng. Thức ăn được trộn đều với nước bọt được các tuyến nước bọt tiết ra. Các tuyến nước bọt này nằm ở dưới hàm, dưới lưỡi và mang tai.
 
Cùng với quá trình này, tinh bột được chuyển hóa một phần do enzyme amylase có trong nước bọt. Enzyme này có khả năng cắt đứt các liên kết ở phân tử tinh bột, để biến đường đa thành đường đôi (maltose, maltotriose, oligosaccarid) có thể trực tiếp hấp thu vào máu trong các mao mạch lân cận.
 
Kết quả của quá trình tiêu hóa ở miệng, thức ăn được nghiền nhỏ nhào trộn lẫn nước bọt thành viên thức ăn mềm, trơn rồi được lưỡi đưa xuống họng vào thực quản, xuống dạ dày. Về mặt hóa học, một phần tinh bột được cắt nhỏ thành các đường đôi và tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày
Sau khi thức ăn từ thực quản xuống dạ dày, nhu động dạ dày giúp nghiền nhỏ thức ăn thêm nữa, đồng thời trộn dịch vị với thực ăn để tạo thành một chất bán lỏng, đồng nhất được gọi là nhũ trấp (vị trấp). Sau đó, nhũ trấp được đưa từng đợt xuống tá tràng với tốc độ phù hợp với sự tiêu hóa và hấp thụ của ruột non nhờ vào nhu động dạ dày và sự đóng mở của môn vị. Việc mở đóng môn vị đều đặn giúp quá trình cung cấp vật chất cho cơ thể cũng diễn ra liên tục đều đặn, giữ được sự cân bằng nội môi, tránh cho tá tràng khỏi bị kích thích bởi một lượng lớn nhũ trấp quá acid.
Cấu tạo của dạ dày
Về mặt hình thái giải phẫu dạ dày được chia ra làm 3 vùng: đáy vị (vùng túi hơi), thân vị và hang vị. Dạ dày phần gần (đáy vị, 1/3 trên thân vị) dạ dày đóng vai trò tiếp nhận và chứa đựng thức ăn. Phần xa (2/3 dưới thân vị, hang vị) dạ dày có chức năng nghiền, nhào trộn thức ăn với dịch vị và kiểm soát việc đưa vị trấp xuống tá tràng.
 
Dịch vị của dạ dày là một hỗn hợp nhiều thành phần: acid dịch vị HCl, các enzyme tiêu hóa pepsin, lipase dịch vị, chymosin giúp quá trình tiêu hóa protein, lipid đã nhũ tương sẵn trong thức ăn… được tiết ra từ các tế bào niêm mạc dạ dày, có thể tích từ 2-2.5 lít/ ngày.  Bên cạnh tác dụng tiêu hóa, acid HCl còn có vai trò sát khuẩn, giúp tiêu diệt các vi khuẩn từ ngoài đi vào dạ dày theo thức ăn để tránh nhiễm trùng qua đường tiêu hóa. Ngoài các tác nhân tiêu hóa, toàn bộ niêm mạc dạ dày đều tiết HCO3- và một ít chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
 
Kết quả tiêu hóa ở dạ dày tạo ra nhũ trấp trong đó một phần protein được chuyển hóa thành proteose và pepton, một phần tinh bột chín thành maltose, maltotriose và oligosaccharide. Dầu mỡ, lipid hầu như chưa được phân giải. Ở dạ dày cũng có hấp thu một số chất như đường glucose, sắt (Fe2+), nước và rượu.
 
Tiêu hóa thức ăn ở ruột non
Ở ruột non, thức ăn được nhào trộn với dịch mật, dịch tụy và dịch ruột. Sự tiêu hóa thức ăn bắt đầu từ miệng đến dạ dày sẽ được hoàn tất tại lòng ruột do biểu mô ruột non hấp thu. Sau đó các sản phẩm tiêu hóa được hấp thu cùng với vitamin, các chất điện giải và nước.
 
Tại đây tụy đổ dịch tụy vào ruột non. Trong dịch tụy chứa các enzyme thuộc 4 nhóm chính: enzyme tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin, elastase, carbopeptidase); enzyme tiêu hóa glucid (amylase dịch tụy, maltase); enzyme tiêu hóa lipid (lipase dịch tụy, phospholipase A2, cholesterol esterase); enzyme tiêu hóa acid Nucleic (ribonuclease, desoxyribonuclease).
Một số quá trình chuyển hóa các chất xảy ra ở ruột nonDịch tụy cũng đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa thức ăn ở ruột non, muối mật trong dịch mật giúp nhũ tương hóa tryglycerid để lipase trong ruột non có thể phân giải tất cả và hấp thu các sản phẩm tiêu hóa của lipid. Dịch ruột cũng chứa các enzyme chuyển hóa protein, glucid và lipid, giúp tiêu hóa thành các chất đơn giản để giúp cơ thể hấp thu.
 
Kết quả của quá trình tiêu hóa ở ruột non hấp thu hoàn toàn lượng glucose qua các tế bào biểu mô ở đoạn cuối hỗng tràng. Các protein được cắt nhỏ ra thành các sản phẩm tiêu hóa dễ dàng hơn: tripeptide, dipeptide, và một ít acid amin. Còn chất béo được cắt nhỏ thành các dạng hấp thu dễ hơn là acid béo, monoglycerid. Được khuếch tán qua màng tế bào biểu mô niêm mạc ruột.
 
Các vitamin tan trong lipid (A, D, E, K) cũng được hấp thu theo cơ chế hấp thu lipd. Các vitamin tan trong nước được hấp thu theo một cơ chế khác. Nước và các chất điện giải cũng được hấp thu một cách tích cực.
 
Tiêu hóa thức ăn ở ruột già
Đây và vị trí cuối cùng thức ăn được hấp thu trước khi bị đào thải ra ngoài môi trường. Ở ruột già, chức năng chủ yếu là hấp thu nước và các chất điện giải. Ruột già hấp thu trên 90% lượng dịch để tạo ra khoảng 200 – 250ml phân nửa rắn. Một số vitamin cũng được hấp thu ở ruột già và một số vitamin khác được các vị khuẩn ở ruột già tổng hợp, đại diện là vitamin K.
 
Các hình thức hoạt động cơ học của ruột già tương tự ruột non với mục đích làm niêm mạc ruột tăng tiếp xúc với các chất chứa để hấp thu thêm một ít nước và điện giải, đồng thời có tác dụng đẩy phân xuống trực tràng gây nên động tác đại tiện để tống phân ra ngoài.
 
Các tuyến tiêu hóa tham gia vào quá trình tiết enzyme tiêu hóa để phân giải thức ăn. Ngoài ra gan là nhà máy xử lý các chất. Tất cả các chất sau khi được hấp thu tại ruột sẽ theo tĩnh mạch mạc treo tràng trên đổ vào tĩnh mạch của của gan, lúc này gan có trách nhiệm dự trữ chất dinh dưỡng và chuyển hóa độc tố cho cơ thể. Đảm bảo an nguy cho tính mạng.
NguồnNgọc Đặng Bến Đình (tổng hợp)
Lượt xem03/07/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết
Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng